Kỹ thuật cấy ghép Implant chủ yếu được áp dụng cho những bệnh nhân bị mất răng lâu năm. Đây được xem là 1 giải pháp điều trị nha khoa tiên tiến bậc nhất với nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh.
1. Phương pháp cấy ghép Implant là gì?
Implant là 1 loại vít nhỏ có kích thước vừa bằng 1 chân răng thật, được làm từ Titanium – 1 loại vật liệu có khả năng tương thích sinh học khá tốt với xương. Kỹ thuật cấy ghép Implant là kỹ thuật trồng răng giả, được thực hiện bằng cách cấy ghép 1 chân răng giả làm bằng Titanium vào trong xương hàm ở vị trí răng đã mất. Từ đó, nó giúp tạo ra các chân răng nhân tạo rồi gắn răng giả lên đó với mục đích thay thế răng đã bị mất.
Kỹ thuật cấy ghép Implant được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân mất răng có nhu cầu làm răng cố định mà không cần mài răng thật;
- Người bị mất răng không muốn dùng hàm tháo lắp, các răng còn lại trên hàm không đủ sức để làm trụ cầu – đặc biệt là trong trường hợp bị mất nhiều răng;
- Người bệnh có nhu cầu làm răng giả nhưng muốn bảo tồn, không gây tiêu xương hàm ở những vùng răng đã mất đi.
Chống chỉ định tuyệt đối với phương pháp Implant là:
- Phụ nữ mang thai;
- Người bệnh tiểu đường không được kiểm soát;
- Trẻ em dưới 17 tuổi;
- Người bệnh đang có viêm nhiễm tiến triển ở vùng đặt Implant.
Bên cạnh đó, một số trường hợp nên cân nhắc đặt Implant là:
- Người mắc một số bệnh lý mãn tính nguy hiểm như bệnh tim mạch, huyết áp;
- Người có thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng không tốt;
- Bệnh nhân không hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị;
- Người nghiện rượu bia, thuốc lá;
- Bệnh nhân đã thực hiện xạ trị xương hàm.
2. Cấy ghép Implant có tốt không?
Kỹ thuật cấy ghép Implant là một trong những giải pháp chỉnh nha tương đối hoàn hảo, phù hợp với người bị mất răng vì:
- Kết quả sau khi cấy ghép có tính thẩm mỹ cao do thân răng được cấy ghép hoàn toàn giống răng thật cả về màu sắc, độ bóng, hình dạng và kích thước;
- Khả năng ăn nhai tương đương răng thật, không cần phải kiêng cữ nhiều;
- Vật liệu làm răng không chứa thành phần dị ứng, không có khả năng oxy hóa, an toàn tuyệt đối cho cơ thể;
- Trụ răng được cấy ghép bằng chất liệu Titanium nên không gây bào mòn hay gỉ sét răng, không bị oxy hóa, dễ tích hợp với xương. Do đó, nếu được chăm sóc đúng cách thì nó có thể tồn tại ổn định cả đời trong khung hàm;
- Ngăn ngừa được những hậu quả do mất răng lâu ngày như tụt nướu, hôi miệng, hở kẽ răng, tiêu xương hàm,…
3. Quy trình thực hiện kỹ thuật cấy ghép Implant
Quy trình cấy ghép Implant trải qua nhiều bước đánh giá nha khoa toàn diện. Cụ thể:
- Thăm khám: Người bệnh nên đến trực tiếp cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn, chụp CT để xác định rõ tình trạng răng hiện tại. Bên cạnh đó, người bệnh được làm một số xét nghiệm cần thiết để kiểm tra xem có đủ sức khỏe cắm Implant không. Khi có đủ thông tin, bác sĩ sẽ lên phương án điều trị, tư vấn trụ Implant thích hợp, tiết kiệm chi phí;
- Chuẩn bị tâm lý, vệ sinh răng miệng: Bệnh nhân được kiểm tra tổng quát lại để đảm bảo đủ sức khỏe thực hiện kỹ thuật cấy ghép Implant. Đồng thời, việc này giúp bệnh nhân chuẩn bị tâm lý thoải mái để không làm gián đoạn quá trình cấy Implant. Sau đó, bác sĩ tiến hành vệ sinh răng miệng cho người bệnh để tránh nguy cơ viêm nhiễm sau cấy Implant;
- Phẫu thuật cấy ghép trụ Implant: Bác sĩ thực hiện gây tê tại vùng cấy trụ Implant rồi tiến hành cấy ghép Implant. Các bước thực hiện khá nhanh, chỉ khoảng 7 – 10 phút cho 1 trụ Implant;
- Lấy dấu mẫu hàm và gắn răng tạm: Bác sĩ lấy dấu mẫu hàm (lấy dấu Implant) cho bệnh nhân, gửi về phòng labo để chế tác răng sứ. Sau khoảng 2 – 3 ngày cấy trụ Implant, người bệnh quay lại nha khoa theo lịch hẹn để bác sĩ gắn răng tạm. Răng tạm vẫn đảm bảo được chức năng ăn nhai, thẩm mỹ trong thời gian chờ lắp mão sứ trên Implant;
- Tái khám: Sau khoảng 7 – 10 ngày, khi nướu đã lành, người bệnh quay lại cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra lại tình trạng răng miệng. Nếu người bệnh mắc các bệnh lý răng miệng sẽ được điều trị để tránh gây ảnh hưởng tới trụ Implant;
- Gắn mão sứ cố định trên Implant: Khi trụ Implant đã tích hợp với xương hàm, bác sĩ sẽ gắn mão sứ lên trên, hoàn tất quy trình trồng răng Implant. Sau khi gắn răng, người bệnh có 1 hàm răng chắc khỏe như răng thật, đảm bảo tính thẩm mỹ tuyệt đối.
Có một số trường hợp bệnh nhân xương hàm quá mỏng, tiêu nhiều do mất răng cần cấy ghép xương hàm trước khi trồng răng Implant. Vì nếu xương hàm không đủ thì răng Implant sẽ không được tích hợp chắc chắn, dễ lung lay, gãy rụng. Hiện có 2 phương pháp ghép xương chính là ghép xương tự thân và ghép xương nhân tạo.
4. Lưu ý khi thực hiện kỹ thuật cấy ghép Implant
Trước khi thực hiện cấy Implant, bệnh nhân nên:
- Thông báo chi tiết cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe, bệnh lý của mình để có phương án điều trị phù hợp;
- Tuân thủ một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, giữ tinh thần thoải mái để có sức khỏe tốt trước khi cấy ghép Implant;
- Không được dùng bất kỳ chất kích thích nào;
- Ngưng sử dụng thuốc chống đông trước khi cấy Implant 1 tuần;
- Thực hiện các xét nghiệm được bác sĩ yêu cầu;
- Nếu trồng răng Implant không gây mê, chỉ gây tê thì người bệnh nên ăn no trước khi phẫu thuật. Nguyên nhân vì thủ thuật này sẽ gây khó chịu, đau nhức trong 1 – 2 giờ đầu nên việc ăn uống của người bệnh sẽ gặp khó khăn. Với trường hợp gây mê thì không nên ăn uống trong khoảng 8 – 12 giờ trước khi thực hiện thủ thuật.
Sau khi thực hiện cấy Implant, bệnh nhân nên:
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới sự tồn tại bền vững của Implant. Nếu quá trình này diễn ra không tốt thì người bệnh dễ mắc các tình trạng như viêm xương, tiêu xương, răng lung lay,…;
- Tránh cắn hay nhai vật cứng;
- Thăm khám ngay nếu có các hiện tượng bất thường như răng lung lay, tê bì hàm, đau nhức ở vị trí đặt Implant;
- Tái khám định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi Implant.
Theo các bác sĩ, thời gian phẫu thuật đặt trụ Implant chỉ khoảng 20 – 30 phút/răng. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cần chờ đợi khoảng 3 tuần – 3 tháng để trụ Implant tích hợp chắc chắn vào xương hàm thì mới tiến hành lắp răng sứ, hoàn tất quy trình trồng răng Implant. Thời gian trụ Implant được tích hợp sẽ khác nhau tùy cơ địa bệnh nhân và loại trụ Implant được sử dụng.
Có thể thấy kỹ thuật cấy ghép Implant là một giải pháp chỉnh hình nha khoa toàn diện. Tuy nhiên, đây là 1 kỹ thuật tương đối phức tạp nên người bệnh cần tìm đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ giàu kinh nghiệm thăm khám, tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.