9h – 18h, Thứ hai – Thứ bảy (Chủ nhật đóng cửa)
+84 903 416 407

Premium Dental Clinic

Cách chăm sóc răng sau khi nhổ răng khôn

Cách chăm sóc răng sau khi nhổ răng khôn

Tầm quan trọng của việc chăm sóc sau khi nhổ răng khôn

Khi nhổ răng khôn, có 2 thời điểm cần phải quan tâm là vừa nhổ xong và khi về nhà.

Chăm sóc sau nhổ răng khôn giúp ngừa các biến chứng như: nhiễm trùng, chảy máu kéo dài, đau và sưng,… Ngoài ra, việc chăm sóc đúng cách còn hỗ trợ vết thương mau lành hơn.

 

Răng khôn phải nhổ vì nhiều lý do như: không đủ không gian để mọc, mọc lệch hoặc không đúng vị trị, sâu răng,… Chăm sóc sau nhổ răng khôn giúp ngừa được các biến chứng

Hướng dẫn cách chăm sóc sau nhổ răng khôn bài bản

Sau khi nhổ răng khôn, có thể mất 7–10 ngày để vết sưng giảm bớt và 2 tuần để hồi phục hoàn toàn. Trong thời gian này, việc chăm sóc sau nhổ răng khôn đúng cách là vô cùng cần thiết . Để giảm đau và hỗ trợ phục hồi, bạn có thể:

1. Kiểm soát chảy máu

Máu chảy sau khi nhổ răng là điều không thể tránh khỏi. Thông thường, máu chảy ra từ ổ răng trong khoảng 24 giờ, để giảm thiểu chảy máu nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Sau khi nhổ răng, bạn nên cắn chặt gạc khử trùng từ 30 – 60 phút để ngăn máu chảy và giúp quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn.
  • Nếu vết chảy máu không dừng lại sau 1 giờ, bạn nên thay miếng băng gạc mới. Đảm bảo băng gạc không thắt quá chặt, tránh gây khó chịu.
  • Tuy nhiên, khi thấy lượng máu chảy ra quá nhiều và không kiểm soát được, nên liên hệ với bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

2. Kiểm soát cơn đau và sưng tấy

Hiện tượng sưng tấy sau nhổ răng khôn là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Tình trạng này khá nghiêm trọng trong vòng 2 – 3 ngày sau phẫu thuật và kéo dài thêm 3 ngày nữa mới bắt đầu thuyên giảm.

Một số phương pháp kiểm soát cơn đau và sưng tấy để chăm sóc sau khi nhổ răng khôn:

  • 24 giờ sau khi nhổ răng, bạn nên chườm đá để giảm sưng tấy. Trong quá trình chườm hãy nhấn và thả nhẹ nhàng thay vì áp chặt vào một vị trí cố định. Thời gian chườm lạnh khoảng 30 phút, sau đó nghỉ ít nhất 30 phút trước khi tiếp tục. Lặp lại quá trình này trong khoảng 2 – 3 giờ đầu sau khi nhổ răng.
  • Sau 2 ngày, nên thực hiện chườm nóng để giảm tính trạng ê buốt và nhanh chóng làm tan máu bầm. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp kích thích lưu thông máu tốt hơn ở vùng xung quanh vết thương, từ đó giảm đau và sưng.
  • Sau 1 ngày nhổ răng, nếu vùng chân răng bị sưng vì thức ăn bám vào, hãy súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và/hoặc kháng sinh theo đơn của bác sĩ cũng giúp giảm đau, sưng tấy và ngăn nhiễm trùng.

3. Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt và đủ chất

Để chăm sóc răng khôn sau khi nhổ hiệu quả, tránh ảnh hưởng tới vết thương trong miệng, bạn nên ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, ít phải nhai như: bún, mì, cháo,… Hạn chế thức ăn cứng, giòn dai, cay nóng; không uống rượu bia vì có thể làm kích ứng vị trí nhổ răng khôn.

Ưu tiên ăn các thức ăn giàu đạm như: thịt, cá, trứng, đậu hà lan,… để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thúc đẩy quá trình tái tạo và phục hồi ở mô nướu.

 


Ăn thức ăn mềm như cháo, bún, mì để dễ nuốt, tránh làm kích ứng vị trí nhổ răng khôn.

Rau xanh và trái cây đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống sau khi nhổ răng khôn. Chúng cung cấp vitamin và chất xơ giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng. Việc này không chỉ tốt cho sức khỏe của răng và lợi mà còn giúp nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể một cách hiệu quả.

Hằng ngày uống 1.5 – 2 lít nước để thúc đẩy quá trình tiết nước bọt, duy trì độ ẩm cho khoang miệng. Từ đó, ngăn vi khuẩn phát triển và hạn chế nhiễm trùng vết thương.

Sau khoảng 2 – 3 ngày, khi tình trạng sưng, đau giảm, bạn có thể trở lại chế độ ăn uống thông thường. Tuy nhiên, cố gắng không để thức ăn rơi vào vùng nhổ, tránh gây chảy máu hoặc nhiễm trùng.

Lưu ý, trong những ngày đầu, bạn nên ăn ở phía bên kia miệng để tránh làm tổn thương chân răng.

4. Chăm sóc sau khi nhổ răng khôn qua chế độ sinh hoạt

Chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc răng khôn sau khi nhổ, cụ thể:

  • Từ 1 – 3 ngày sau khi nhổ răng khôn, tránh hút thuốc, uống nước bằng ống hút, khạc nhổ, xì mũi hoặc hắt hơi. Những hành động này làm kích thích máu đông bên trong chân răng, gây chảy máu.
  • Nên tránh các bài tập nặng, có cường độ cao sau khi nhổ răng khôn giúp giảm nguy cơ tổn thương, giữ cho vùng miệng được bảo vệ và hồi phục tốt hơn.
  • Tránh nhai phía bên miệng nơi răng được nhổ giúp giảm áp lực lên khu vực phẫu thuật, hỗ trợ quá trình lành vết thương.
  • Không dùng lưỡi hoặc ngón tay đụng vào vị trí ổ răng vừa nhổ để tránh gây tổn thương và nhiễm trùng vùng mổ.
  • Sau khi nhổ răng, nghỉ ngơi đầy đủ tạo điều kiện cho vùng huyệt ổ răng phục hồi nhanh chóng và cầm máu ổn định.
  • Ngủ kê cao đầu sau khi nhổ răng góp phần giúp giảm sưng tấy và cầm máu.

5. Vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn đúng cách

Chăm sóc răng miệng sau khi nhổ răng khôn đúng cách để đảm bảo vết thương được lành nhanh chóng và tránh các biến chứng. Một số cách vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn như:

5.1. Súc miệng

  • 6 giờ đầu sau phẫu thuật: Không nên súc miệng để vùng nhổ răng được ổn định.
  • 8 – 12 giờ đầu sau phẫu thuật: Có thể súc miệng nhẹ nhàng với nước thường, giúp làm sạch miệng và giảm cảm giác khô rát.
  • 1 ngày sau phẫu thuật: Chỉ nên súc miệng nhẹ nhàng với nước súc miệng chứa chlorhexidine hoặc nước muối loãng. Không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn hoặc có tính sát khuẩn quá cao vì có thể làm trôi cục máu đông và ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.

 

Sau phẫu thuật chỉ nên súc miệng nhẹ nhàng với nước súc miệng chứa chlorhexidine hoặc nước muối loãng

5.2. Chải răng

  • Chỉ nên chải răng sau 1 ngày nhổ răng để chân răng ổn định và không làm tổn thương chân răng.
  • Sử dụng bàn chải lông mềm giúp giảm kích ứng vùng nhổ răng.
  • Đặt bàn chải nghiêng góc 45 độ so với lợi và chải nhẹ nhàng theo chiều dọc thân răng để làm sạch mảng bám và thức ăn.
  • Không để bàn chải tiếp xúc trực tiếp với vết thương trong khoảng 2 – 3 ngày đầu.
  • Sau khi chải răng, sử dụng nước muối loãng súc miệng trong khoảng 30 giây. Việc này giúp diệt khuẩn và duy trì vệ sinh miệng tốt nhất.
  • Không sử dụng tăm nước vào vị trí răng khôn mới nhổ.
  • Tránh sử dụng nước súc miệng chứa cồn hoặc chất tẩy rửa mạnh.

6. Ngăn ngừa nhiễm trùng

Chăm sóc răng khôn sau khi nhổ hiệu quả nhất là phải ngừa nhiễm trùng, có thể thực hiện bằng cách:

  • Sau khi nhổ răng, giữ gạc cố định trên vị trí nhổ trong khoảng thời gian đầu giúp bảo vệ vết thương khỏi việc bị nhiễm trùng.
  • Sử dụng nước sát trùng hoặc thuốc kháng sinh đúng liều lượng.
  • Trong 24 giờ đầu sau khi nhổ răng, hạn chế các hoạt động quá sức để giúp quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi.
  • Ăn đồ mềm, nguội, tránh làm chảy máu chân răng.
  • Không hút thuốc.
  • Ăn uống lành mạnh.
  • Để giảm đau, dùng phương pháp chườm đá lạnh.

Ngoài ra, nếu chăm sóc răng khôn sau khi nhổ không đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng. Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm: sưng, đau, đỏ; nhiễm trùng tại vùng nhổ răng hoặc cảm giác không thoải mái khi nhai.

7. Liên hệ ngay với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường

Nếu các cách chăm sóc răng khôn sau khi nhổ không hiệu quả và xuất hiện các dấu hiệu bất thường dưới đây, bạn cần quan tâm.

  • Máu chảy liên tục từ 24 – 48 giờ sau khi nhổ răng.
  • Nướu sưng to và kéo dài.
  • Đau dữ dội không giảm sau khi uống thuốc theo chỉ định.
  • Hôi miệng và có mủ.
  • Sốt cao.
  • Buồn nôn.
  • Khó mở miệng và nuốt.
  • Tê buốt kéo dài.

Khi bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc chuyên gia nha khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Chăm sóc sau nhổ răng khôn và những câu hỏi thường gặp

1. Sau nhổ răng khôn đau mấy ngày?

Cơn đau sau khi nhổ răng khôn thường giảm dần và hết sau khoảng 3 – 4 ngày. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn 10 ngày hoặc đau mạnh ở vùng nhổ răng, cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

2. Khi nào có thể tháo chỉ khâu răng khôn?

Quá trình tháo chỉ khâu sau khi nhổ răng khôn phụ thuộc vào loại mũi khâu và tình trạng cụ thể của vết thương. Cụ thể:

  • Mũi khâu tự tiêu: Những mũi khâu tự tiêu có thể tự tan hoặc rụng mà không cần can thiệp bên ngoài. Thời gian tự tiêu của mũi khâu này thường kéo dài từ 7 – 14 ngày.
  • Chỉ khâu không tự tiêu: Các mũi khâu không tự tiêu cần phải được tháo ra bằng cách cắt bỏ sau một thời gian nhất định. Thông thường, sau khoảng 1 tuần, các mũi khâu không tự tiêu được loại bỏ bằng quá trình cắt.

3. Lỗ sau khi nhổ răng khôn mấy ngày lành?

Quá trình lành vết thương sau khi nhổ răng khôn khác nhau đối với mỗi người và phụ thuộc vào tình trạng của từng trường hợp cụ thể. Quá trình lành thương được mô tả như sau:

  • 24 giờ đầu tiên: Cục máu đông hình thành để bảo vệ vùng huyệt nhổ răng.
  • 2 – 3 ngày tiếp theo: Sưng viêm giảm và không có tình trạng chảy máu như ban đầu.
  • 14 ngày sau: Mô lợi bắt đầu lành lại và không còn cảm thấy đau.
  • Khoảng 1 tháng sau: Vết thương đã lành và bạn có thể trở lại ăn uống bình thường. Tuy nhiên, lỗ hổng sau khi nhổ răng vẫn chưa lành hẳn.
  • 2 – 4 tháng tiếp theo: Lỗ hổng được lấp đầy hoàn toàn bằng xương và phần lợi cũng trở nên láng mịn hơn.

4. Mất bao lâu để hồi phục sau khi nhổ răng khôn?

Sau khi nhổ răng khôn, thời gian hồi phục khác nhau tùy thuộc vào từng người.

  • Đi lại, làm việc: Trở lại công việc sau 2 – 3 ngày sau nhổ răng khôn. Tuy nhiên, thời gian này có thể kéo dài hơn nếu công việc của bạn đòi hỏi vận động chân tay.
  • Tập luyện: Bạn nên tránh các bài tập nặng, có cường độ cao trong 2 – 3 ngày sau khi nhổ răng khôn.
  • Ăn uống: Ngay sau khi nhổ răng khôn, bạn nên ăn các loại thức ăn mềm và tránh ăn các thức ăn cứng, cay hoặc nóng. Sau khoảng 1 tuần, bạn có thể dần dần thêm các loại thức ăn khác vào chế độ ăn uống của mình.
Đặt lịch hẹn gặp bác sĩ